Mới đầu tháng 5, nhưng tại nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội, vải thiều đầu mùa (hay còn gọi là vải tu hú) đã bắt đầu được bày bán, tuy nhiên, cung không đủ cầu giá cao. Loại vải được tuyển chọn từ các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGap giá lên tới trên 100.000 đồng/kg.
Tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên loại rẻ nhất nhập là 40.000 – 45.000 đồng/kg nhưng bị sâu đầu nhiều. Loại ngon hơn, ít sâu đầu hơn giá từ 60.000 - 80.000 đồng/kg. Trong khi đó tại một số chợ trên địa bàn như: Chợ Ngọc Hà (Ba Đình), chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Thành Công, Kim Liên... giá vải đầu mùa dao động từ 75.000 – 100.000 đồng/kg. Còn tại một cửa hàng thực phẩm sạch trên phố Minh Khai, vải đang có giá 106.000 đồng/kg. Theo nhân viên bán hàng, đây là loại vải được tuyển chọn từ các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGap hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng ngon và thời gian bảo quản lâu hơn, nên giá cao so với vải đang bán trên thị trường.
Được biết vải thiều là loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Hải Dương và nâng cao đời sống, thu nhập cho người nông dân. Trước yêu cầu của phía Trung Quốc, một số loại trái cây tươi của Việt Nam trong đó có quả vải, muốn xuất khẩu sang thị trường này thì phải có thông tin truy xuất nguồn gốc, tỉnh Hải Dương đã và đang tích cực chuẩn bị để việc xuất khẩu quả vải được thuận lợi. Tính đến tháng 4/2019, Hải Dương có 40 vùng trồng cho 4 loại trái cây tươi: vải, nhãn, chuối, dưa hấu và 2 cơ sở đóng gói được cấp mã số và được Trung Quốc chấp thuận.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hải Dương cho biết, năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương triển khai cho các huyện, thành phố đăng ký các vùng trồng và cơ sở đóng gói để gửi về Cục Bảo vệ thực vật tiến hành cấp mã số.
Giám đốc Công ty cổ phần Kim Chính, một trong 2 cơ sở đã được cấp mã số cho biết, đến thời điểm này, doanh nghiệp đã chuẩn bị tốt mọi điều kiện để xuất khẩu vải năm nay. Thùng xốp, tem nhãn đều đã sẵn sàng chờ thu gom vải.
Hiện nay doanh nghiệp này có nguồn nguyên liệu vải là 16 vùng trồng được cấp mã số. Năm nay, dự kiến doanh nghiệp chỉ thu gom và xuất sang Trung Quốc khoảng 7.000 tấn, giảm 10.000 tấn so với vụ vải năm trước.
Theo Giám đốc Công ty CP Kim Chính, yêu cầu truy xuất nguồn gốc sẽ rất thuận lợi cho cả người tiêu dùng và cả doanh nghiệp. Vì các doanh nghiệp muốn đưa quả vải vào Trung Quốc đều phải qua đơn vị đã được Hải quan Trung Quốc cấp mã số. Do đó, không còn cơ hội cho những thương lái nhỏ lẻ cạnh tranh ép giá. Qua đây cũng yêu cầu người trồng vải nói riêng và các loại cây khác nâng cao ý thức tuân thủ sản xuất quy trình an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã ban hành hướng dẫn chi tiết gửi hướng dẫn xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc đến UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp, cơ sở xuất khẩu trái cây trong tỉnh.
Theo đó, đề nghị các địa phương có vùng trồng trái cây xuất khẩu tăng cường chỉ đạo người sản xuất tuân thủ quy trình VietGAP và đảm bảo thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, dán tem nhãn… theo hướng dẫn và yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, chủ động liên hệ, đặt hàng, thu mua nguồn nguyên liệu ở các vùng trồng đã được cấp mã số; chủ động lựa chọn và sử dụng bao bì, tem nhãn dán lên sản phẩm theo yêu cầu của phía Trung Quốc; chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc được Hải quan Trung Quốc chấp thuận.
Ngành nông nghiệp Hải Dương cũng yêu cầu các xã, phường, thị trấn có vùng trái cây xuất khẩu Trung Quốc cung cấp thông tin về vùng trồng, về cơ sở đóng gói đã được cấp mã số đến nông dân và doanh nghiệp thu mua để việc tiêu thụ được thuận lợi; chỉ đạo nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP, tạo thuận lợi về giao thông, bến bãi cho doanh nghiệp thu mua và vận chuyển trái cây xuất khẩu; tiếp tục đăng ký, đề nghị cấp mã số cho các vùng sản xuất và cơ sở đóng gói.
Các doanh nghiệp nếu khó khăn trong quá trình cấp mã số vùng trồng có thể liên hệ với Chi cục Bảo vệ thực vật để được hướng dẫn và nếu vướng mắc trong việc đóng gói, tem nhãn sản phẩm, có thể liên hệ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để được hướng dẫn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương cho biết.
Hiện nay, vẫn còn 115 cơ sở đóng gói và 10 vùng trồng trái cây của tỉnh Hải Dương đang chờ cấp mã số và chờ Trung Quốc chấp nhận.
Thông tin về các vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số sẽ được cập nhật trên trang thông tin của Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu. Hy vọng việc cấp mã số lần này sẽ triển khai nhanh chóng vì vụ thu hoạch vải đang đến rất gần.
Vụ vải năm 2019 dự kiến Hải Dương sẽ thu hoạch khoảng 35.000 - 40.000 tấn. Hiện nay, vải u trứng trắng đã cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên với giá bán đến tay người tiêu dùng khoảng 80.000 - 85.000 đồng/kg.
Nguồn: VITIC tổng hợp/Bnew/Vinanet