Chỉ trong 3 năm đã có gần 3.000 ha cây trồng kém hiệu quả được chuyển sang các loại cây ăn trái có giá trị xoài, bưởi, sầu riêng... theo hướng GAP.
3 vùng cây ăn trái chủ lực
- Chi cục Trồng trọt – BTVT Khánh Hòa, những năm gần đây phong trào chuyển đổi từ đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang cây ăn quả được nông dân hưởng ứng phát triển mạnh mẽ.
Thời gian qua xoài Úc ở huyện Cam Lâm đã giúp nông kiếm 150-200 triệu đ/ha. Ảnh: Kim Sơ.
Cụ thể, từ 2017- 2019, toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 2.656 ha sang cây ăn trái như xoài, sầu riêng, bưởi… chủ yếu tập trung tại 3 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và Cam Lâm. Nâng số diện tích cây ăn quả toàn tỉnh lên đến hơn 17.682 ha, trong đó xoài 8.169 ha, bưởi 1.379 ha và sầu riêng 1.650 ha…
Ông Lương Nguyễn Nhật Trường, Phó phòng NN-PTNT Khánh Vĩnh cho biết, đến nay, toàn huyện đã phát triển khoảng 1.566 ha cây ăn trái. Trong đó bưởi da xanh hơn 502 ha gồm 170 ha thời kỳ kinh doanh, với tổng sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm. Tuy mới đưa vào trồng những năm gần đây, song bưởi da xanh ở Khánh Vĩnh đã phát huy hiệu quả kinh tế, có chất lượng cao và được thị trường trong và ngoài tỉnh tiêu thụ tốt.
Vườn bưởi VietGAP của ông Nguyễn Xuân Long, Tổ trưởng Tổ hợp sản xuất trái cây an toàn Khánh Vĩnh. Ảnh: Kim Sơ
“Bưởi da xanh ở Khánh Vĩnh có chất lượng đặc biệt ngọt, ruột đỏ, da xanh, bóng và vỏ mỏng. Cây trồng từ 5 năm trở lên cho năng suất bình quân khoảng 7 tấn/ha. Thương lái tự đến vườn thu mua với giá trung bình từ 30 - 35 ngàn đ/kg, sau khi trừ chi phí người trồng lãi từ 150 - 200 triệu đ/ha”, ông Trường chia sẻ.
Tương tự, tại huyện miền núi Khánh Sơn, với đặc điểm nằm ở độ cao hơn 500m so với mực nước biển, cùng với đó có khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp cho việc phát triển cây ăn quả chất lượng cao. Tận dụng lợi thế này, trong những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng của tỉnh, huyện Khánh Sơn đã chuyển đổi 2.787 ha đất cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, chủ yếu là cây ăn trái.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT Khánh Sơn, đến nay toàn huyện có hơn 1.000 ha sầu riêng, trong đó khoảng 400 ha cho thu hoạch, sản lượng hàng năm khoảng 3.500 tấn. 319 ha bưởi da xanh với sản lượng 220 tấn và 166 ha chôm chôm với sản lượng 120 tấn... Đặc biệt, sầu riêng Khánh Sơn có lợi thế ra hoa, kết trái muộn hơn những nơi khác. Tức là, khi sầu riêng Nam bộ hết mùa thu hoạch, sầu riêng Khánh Sơn mới bắt đầu chín, khi thu hoạch xong thì sầu riêng Tây Nguyên mới bắt đầu chín. Mùa sầu riêng Khánh Sơn bắt đầu vào khoảng tháng 7 hàng năm và kết thúc vào cuối tháng 8.
Bên cạnh đó, trái sầu riêng Monthong ở Khánh Sơn đều, đẹp, trọng lượng trung bình 4,5 kg/trái, cá biệt có những trái đạt từ 7 - 8 kg. Người tiêu dùng đánh giá sầu riêng Khánh Sơn ngon hơn hẳn so với sầu riêng ở vùng khác, vì đặc điểm thịt ráo, cơm vàng, hạt lép. Hiện nay, trung bình 1 ha sầu riêng cho năng từ 8-10 tấn, với giá bán từ 40 -50 ngàn đ/kg, sau khi trừ chi phí bà con lãi từ 300 - 400 triệu.
Còn tại huyện Cam Lâm - thủ phủ trồng xoài ở Khánh Hòa với diện tích lên đến trên 5.000 ha, trong đó khoảng 3.000 ha xoài Úc; với tổng sản lượng 44.000 tấn quả tươi/năm.
Nhiều nông dân ở Khánh Sơn vươn lên khá giả nhờ trồng sầu riêng. Ảnh: Kim Sơ.
Theo người trồng, xoài Úc có điểm hơn các giống địa phương. Cụ thể, hình dáng quả to tròn đều, màu sắc ửng hồng và vỏ dày nên có khả năng vận chuyển đi xa. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng giống xoài này. Trung bình 1 ha xoài Úc cho thu hoạch khoảng 7 - 10 tấn, bán với giá từ 35 - 40 ngàn đ/kg, sau khi trừ chi phí nông dân thu hoạch lãi từ 150 - 200 triệu.
Báo Nông Nghiệp