(LĐ online) - Sau hơn 2 tháng trời nắng hạn đã khiến hàng chục ngàn ha cà phê tại các huyện Bảo Lâm, Di Linh và TP Bảo Lộc đang thiếu nguồn nước trầm trọng dẫn đến rũ lá, khô bông. Ghi nhận thực tế từ những ngày đầu xuân Kỷ Hợi 2019 cho thấy, hàng ngàn hộ dân ở Bảo Lâm, Di Linh và TP Bảo Lộc đang căng mình tận dụng mọi nguồn nước để tưới chống hạn cho cà phê.
Căng mình chống hạn
Ghi nhận tại các địa phương có diện tích cà phê lớn như xã Lộc Ngãi, Lộc Thành, Lộc Bảo, B’Lá, Lộc Đức, thị trấn Lộc Thắng… (huyện Bảo Lâm) hay các xã Tân Châu, Tân Thượng, Tam Bố, Tân Nghĩa, Đinh Trang Hòa, Hòa Bắc… (huyện Di Linh) và Đam B’ri, Đại Lào, Lộc Nga (TP Bảo Lộc) thì tiếng máy nổ bơm nước râm ran khắp nơi. Cùng với đó là người người đang ngày đêm thay nhau châm dầu, kéo ống tưới cho hàng chục ngàn ha cà phê đang “khát nước”. Theo đó, tại xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm) dọc theo dòng suối Đại Nga đang có hàng chục điểm “tập kết” máy bơm nước công suất lớn (8 - 10 máy bơm/điểm) hoạt động không ngừng nghỉ. Ông Trần Trí Dũng (ngụ xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm), cho hay: “Gia đình tôi có gần 2 ha cà phê đang dần héo lá, khô bông cần được tiếp. Do vườn ở xa suối, nên tôi phải nối hơn 40 cuộn ống (tương đương hơn 1.000 m ống) mới đưa nước về tới vườn chống hạn cho cà phê. Hôm qua đến giờ, vợ chồng tôi thay nhau tưới liên tục hơn 20 tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa xong. Dự tính, vợ chồng tôi phải thay nhau tưới hết sáng ngày mai (16/2) nữa cà phê mới đủ nước. Hiện tại, nước trên suối Đại Nga vẫn đảm bảo đủ để bà con chúng tôi chống hạn cho cà phê. Nhưng nếu thời tiết cứ nắng thế này, tôi sợ 1 tháng nữa nước suối sẽ cạn kiệt thì bà con chúng tôi không biết lấy nước đâu mà chống hạn”.
Theo người dân, để chống hạn cho cà phê, trung bình mỗi ha bà con phải bỏ ra chi phí từ 5 - 10 triệu đồng. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, ngụ tổ dân phố 11 (thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm), nhẩm tính: “Trung bình mỗi ha cà phê, bà con chúng tôi phải tưới từ 30 - 40 giờ đồng hồ mới xong 1 ha. Nếu những hộ có vườn gần suối chủ động được nguồn nước và có đầy đủ phương tiện thì chỉ mất từ 2 - 3 triệu đồng tiền dầu/ha. Nhưng những hộ vườn xa, lại phải thuê máy bơm thì chi phí bỏ ra như gia đình phải đến 9 - 10 triệu đồng mới tạm cứu được tình trạng tạm “khát nước” cho 1 ha cà phê. Nhưng nếu không tưới kịp thời, cà phê sẽ khô bông và chắc chắn năm này sẽ thất thu”.
Trong khi hầu hết các hộ dân đang chủ động được nguồn nước chống hạn cho cà phê, thì ông Trần Văn Quang, ngụ tại thôn 11 (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) đang “cầu mong” trời đổ cơn mưa “vàng” để cứu sống hơn 5 sao cà phê của gia đình. “Gia đình tôi có 2 ha cà phê, hiện tại đã tưới nước chống hạn được 1,5 ha. 5 sao còn lại do nằm xa suối gần 2 km nên giờ không thể tưới. Hiện, cà phê đang rũ lá, khô bông do khát nước nhưng gia đình tôi đành phải bó tay. Giờ tôi chỉ biết cầu trời thương tình cho trận mưa, còn không cứ nắng kiểu này thì vườn cà phê của gia đình tôi xem như mất trắng” - ông Quang lo lắng.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tuấn Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thượng (huyện Di Linh), hiện tại, người dân đang tập trung tận dụng nguồn nước suối và ao hồ tự đào để tưới chống hạn cho cà phê. Ngoài nguồn nước tự nhiên thì toàn xã đang có gần 170 ao hồ tự đào vừa và nhỏ đang cơ bản đáp ứng đủ nguồn nước tưới cho 90% diện tích cà phê của địa phương. “Về cơ bản, đây là đợt tưới đầu tiên trong mùa khô năm nay nên nguồn nước vẫn đủ để bà con chống hạn cho cà phê. Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy nguồn nước suối tự nhiên cho đến ao hồ do người dân tự đào đều xuống rất nhanh. Cứ đà này nếu không có mưa thì trong vòng 1 tháng tới, người dân sẽ không còn nước để chống hạn. Khi đó tình hình sẽ rất căng thẳng” - ông Thông lo ngại.
Chủ động điều tiết, phân phối nước
Theo thống kê, 2 huyện Di Linh và Bảo Lâm là những vùng trọng điểm có diện tích cà phê thuộc diện lớn nhất, nhì của tỉnh. Trong đó, huyện Di Linh có hơn 44.000 ha, còn Bảo Lâm có hơn 35.000 ha cà phê. Trong đợt chống hạn đầu năm này, nguồn nước tưới vẫn đảm bảo để người dân chống tưới cho khoảng 80 - 85% diện tích. Tuy nhiên, nếu tình hình hạn hán tiếp tục kéo dài thì trong vòng 1 tháng tới, người trồng cà phê sẽ thiếu nguồn nước chống hạn trầm trọng.
Ông Trần Nhật Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, cho biết: “Trước tình hình nắng nóng đã và đang diễn ra, người dân địa phương đang tập trung chủ động tưới nước chống hạn cho cây trồng. Ngoài nguồn nước từ sông suối và hồ thủy lợi tự nhiên, địa phương còn có gần 5.000 ao hồ nhỏ do người dân tự đào để cung cấp nước tưới. Hiện tại, qua kiểm tra thực tế, về cơ bản nguồn nước vẫn đáp ứng đủ để người dân chống hạn. Để đảm bảo nguồn nước tưới lâu dài, địa phương đang tiến hành điều tiết tích nước và phân phối nguồn nước sông suối, hồ thủy lợi; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân nạo vét ao hồ và tưới nước tiết kiệm tránh lãng phí nguồn nước”.
Tương tự, theo thống kê tại huyện Bảo Lâm ngoài nguồn nước sông, suối và 22 công trình thủy lợi được Nhà nước đầu tư thì địa phương đang có hơn 6.000 ao, hồ nhỏ do người dân tự đào phân bổ đều khắp các xã, thị trấn. Ông Trương Hoài Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho hay: “Trong đợt chống hạn này, nguồn nước vẫn đảm bảo để bà con tưới cho hơn 85% diện tích cà phê (tương ứng khoảng 30 - 32.000 ha). Để đối phó với tình hình nắng hạn đang diễn ra, ngoài việc chủ động điều tiết, phân phối nguồn nước hợp lý các công trình thủy lợi, hồ chứa thì địa phương đang vận động người dân tiến hành cách bỏ bớt cành cà phê và sử dụng lá cà phê phủ gốc để giữ ẩm cho cây”.
Bên cạnh việc điều tiết, phân phối nguồn nước hợp lý để chống hạn, các địa phương cũng chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành theo dõi sát sao tình hình hạn hán và dịch bệnh để có phương án đối phó hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất cho người dân.
KHÁNH PHÚC