Năm 2018 với các giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, thu hút đầu tư và đẩy mạnh liên kết, nông nghiệp công nghệ cao Lâm Đồng không chỉ mở rộng quy mô diện tích mà còn nâng cao giá trị thu nhập, tạo nền tảng để tiếp tục phát triển hiệu quả hơn nữa trong năm mới 2019.
Tăng 26,5% diện tích
Thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng, đến hết năm 2018, diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng đạt gần 54.480 ha, bằng 19,5% tổng diện tích canh tác. So với năm 2015, quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tăng gần 26,5% sau ba năm. Trong đó, chiếm tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao cao nhất là diện tích rau và hoa trên dưới 95% trong tổng diện tích sản xuất rau, hoa hiện đang canh tác. Tương tự, đối với cây chè và cây dược liệu chiếm gần 50%; còn lại cây ăn quả, cây lúa chiếm tỷ lệ diện tích lần lượt 18,5% và 5,8%.
Hiện tại, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Lâm Đồng đạt bình quân 370 triệu đồng/ha, chiếm 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đây là kết quả mở rộng quy mô ứng dụng đồng bộ hóa công nghệ cao gắn với kết nối internet vạn vật trong quản lý sản xuất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại…Cụ thể so với năm 2015 thì đến nay, quy mô ứng dụng công nghệ cao tăng đáng kể các diện tích sản xuất như nhà kính (hơn 1.250 ha), nhà lưới (gần 700 ha), màng phủ nông nghiệp (3.510 ha), tưới tự động và bán tự động (hơn 15.200 ha). Riêng công nghệ canh tác rau thủy canh tăng rất nhanh diện tích từ 1 ha trong năm 2015 lên 80 ha vào cuối năm 2018. Đặc biệt công nghệ kết nối internet vạn vật hiện có 15 doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng điều hòa ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm của đất trong canh tác hơn 60 ha rau, hoa, chè và cây đặc sản. Các doanh nghiệp tiêu biểu như Công ty TNHH Trường Hoàng, Dalat Hasfarm, Vineco… đã và đang ứng dụng phần mềm công nghệ kết nối internet vạn vật để quản lý thông tin sản phẩm, quản trị sản xuất, quản lý tài chính, kho hàng, bán hàng…
Với Doanh nghiệp Phong Thúy, Đức Trọng đang vận hành mô hình Trung tâm sau thu hoạch gắn liền với đóng gói, sử dụng mã vạch truy cập nhanh gắn thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, nâng cao uy tín sản phẩm ở thị trường trong nước và quốc tế. Và với nguồn vốn hỗ trợ của tổ chức JICA Nhật Bản, Doanh nghiệp Phong Thúy đã được trang bị hệ thống dây chuyền máy phân loại cà chua công nghệ hiện đại, đạt năng suất 200 tấn/tháng, giảm 75% công lao động mỗi ngày. Sản phẩm cà chua phân loại ở đây đảm bảo các tiêu chuẩn về màu sắc, kích thước, chất lượng theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Xây dựng 10 vùng đạt tiêu chí sản xuất ứng dụng công nghệ cao
“Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang mở rộng cả quy mô địa bàn và đối tượng cây trồng, vật nuôi. Tất cả 12 huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng đều áp dụng công nghệ cao vào sản xuất cây ăn quả, dược liệu, chăn nuôi heo… Trong đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã ứng dụng công nghệ cao trên tổng diện tích sản xuất gần 1.700 ha mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng tăng cao…”, Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng cho biết.
Theo đó, trên 12 huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng đã được quy hoạch đầu tư 19 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích 3.900 ha. Đồng thời, bổ sung 2.000 ha quy hoạch sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng tiếp cận đa ngành. Đến nay, làng hoa Thái Phiên và làng hoa Vạn Thành, Đà Lạt được công nhận vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao. Và có 8 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trên tổng diện tích 385 ha rau và hoa. Bên cạnh đó có 77 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đầu tư hơn 266 triệu USD. Điển hình như Tập đoàn Bejo đầu tư 11,5 triệu USD tại huyện Lâm Hà sản xuất giống rau xuất khẩu lớn nhất Đông Nam Á; Công ty TNHH Agrivina với kinh phí 25 triệu USD nhân giống hoa cao cấp tại Đà Lạt…
Định hướng đến năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng phấn đấu xây dựng đủ tiêu chí công nhận 10 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây rau, hoa và cây ăn trái. “Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Lâm Đồng tập trung sản xuất, nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực ứng dụng công nghệ cao, từ đó xây dựng trở thành trung tâm mở rộng quy mô vùng, hướng đến liên kết phát triển bền vững…”, Sở NN&PTNT Lâm Đồng nhận định.
VĂN VIỆT