bn2

xlach hinh3 ca1 hinh1 ca1

Mở cửa xuất khẩu hoa Ðà Lạt

 

Trong 5 năm tới, sản lượng hoa xuất khẩu của Ðà Lạt sẽ tăng 15% (400 triệu cành/năm), đó là mục tiêu hướng tới. Do vậy, vấn đề đặt ra cần điều chỉnh toàn diện công nghệ sản xuất để đáp ứng thị trường xuất khẩu bền vững. 

Hiện nay, mỗi năm Đà Lạt xuất bán 300 nghìn cành hoa sang thị trường các nước, chiếm 10% tổng sản lượng hoa của các vùng nông nghiệp Đà Lạt. Sản lượng xuất khẩu hoa tăng đều từ năm 2013 và tăng mạnh trong 3 năm trở lại đây. 

 

Tổ chức mô hình vệ tinh - liên kết chuỗi

 

Hiện vùng hoa Đà Lạt có tổng diện tích canh tác hàng năm khoảng 9.000 ha. Để đạt được sản lượng xuất khẩu ấn tượng hơn, ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã tính đến nhiều giải pháp.

 

Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, ngành hoa cần điều chỉnh toàn diện công nghệ sản xuất để có những bước đi bền vững ở thị trường xuất khẩu. Và việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật theo hướng nông nghiệp công nghệ cao được thực hiện rộng rãi đến quy mô hộ gia đình đã góp phần đưa năng suất, chất lượng hoa Đà Lạt ngày càng tăng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. 

 

Nhìn toàn cảnh ngành hoa Đà Lạt có thể thấy những khó khăn hiển hiện rất rõ ràng. Yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng cao của quốc tế khi gia nhập thị trường chung. Các nước gia tăng sử dụng rào cản kỹ thuật để kiểm soát nhập khẩu. Việt Nam cũng sử dụng hàng rào kỹ thuật này, gồm: kiểm dịch thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm... Hệ thống kiểm soát nhập khẩu của các nước mang tính phòng ngừa, tức là họ kiểm tra tại vùng sản xuất để đánh giá an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật.

 

Hiện nay quy mô các hộ sản xuất hoa tại Đà Lạt trung bình 0,2 đến 0,3 ha, nhìn chung còn nhỏ lẻ, không đủ đáp ứng số lượng cho những đơn hàng lớn. Trong khi đó số chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ hoa còn hạn chế, mới chỉ có 3 chuỗi liên kết sản xuất hoa với diện tích 236 ha, tổng sản lượng 181,8 triệu cành. Vì vậy sản lượng sản xuất không đủ lớn, độ ổn định chất lượng, số lượng quanh năm và  độ đồng đều không đảm bảo.

 

Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất từng bước được thực hiện đã cải thiện chất lượng hoa, nhưng đa số vẫn chưa đạt chuẩn xuất khẩu. 

 

Hiện nay, hoa do người dân sản xuất chưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu về mẫu mã, kiểm dịch thực vật và công nghệ sau thu hoạch.  Giống hoa còn phụ thuộc phần lớn vào giống nhập nội, nhất là các loại hoa cao cấp. Thiếu nguồn giống tốt, đáp ứng được cả về tiêu chuẩn chất lượng và hình thức cho thị trường xuất khẩu, là một thách thức rất lớn. Một số loại đáp ứng nhu cầu thì lại vướng về vấn đề bản quyền bảo hộ giống. 

 

Từ những khó khăn đã xác định này, ngành hoa cần phải thay đổi toàn diện công nghệ sản xuất hoa. Các doanh nghiệp phải mua bản quyền về giống hoa, vì hoa phải có bản quyền giống mới xuất khẩu được. Hỗ trợ nông hộ liên kết nhập giống, mua bản quyền giống các hoa mới để tạo các nguồn giống tốt phục vụ sản xuất. Nghiên cứu thị trường các nước về thị hiếu, yêu cầu kỹ thuật, từ đó xây dựng chuỗi liên kết sản xuất hoa đảm bảo chất lượng. Trong đó, mỗi khâu đều phải có tiêu chuẩn phòng ngừa rủi ro, có thiết bị, chuyên gia để khi hoa xuất sang các nước đáp ứng được quy trình tiêu chuẩn của nước đó. 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S nhấn mạnh, phải thực hiện các chuỗi liên kết để sản xuất hoa đủ số lượng và ổn định chất lượng qua thời gian, đảm bảo độ đồng đều đáp ứng theo đặt hàng của các thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoa thông qua nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc, áp dụng công nghệ sau thu hoạch. Quan trọng nhất là việc xử lý kiểm dịch thực vật ngay tại cơ sở sản xuất để giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu. Thực hiện phát triển nhãn hiệu chứng nhận “hoa Đà Lạt” bằng nhiều hình thức như: In tem nhận diện, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm hoa đã được kiểm soát chất lượng theo chuỗi. Ứng dụng công nghệ sau thu hoạch để kéo dài tuổi thọ của hoa cắt cành như xử lý lạnh, xử lý kiểm dịch thực vật và các chất bảo quản, trong đó đó ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học. 
 
Ngành hoa tỉnh Lâm Ðồng đang xây dựng bộ tiêu chuẩn hoa Ðà Lạt, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm đến trao đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng nội bộ và quốc tế, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường. 
 
Trong quá trình phát triển sản xuất, các đơn vị sản xuất hoa luôn phải có biện pháp để quản lý bệnh phát sinh từ đất như nấm, tuyến trùng, vi khuẩn giúp sản xuất hoa đảm bảo chất lượng.
 
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đang xây dựng sàn giao dịch hoa chất lượng cao. Sàn giao dịch có mở kênh đấu giá từ xa thông qua thương mại điện tử để những nhà phân phối hoa nước ngoài có thể đặt mua từ xa. Sàn giao dịch hoa là phương án thúc đẩy xuất khẩu hoa ngay tại Đà Lạt, mặt khác minh bạch giá bán để nâng lợi nhuận cho nông dân.
 
Tích tụ ruộng đất
 
Tiến sĩ Phạm S cho rằng, thay đổi toàn diện công nghệ sản xuất phải đi kèm với việc tổ chức sản xuất và giải quyết các vấn đề lên quan đến đất đai. Ông cho rằng: “Phải giải quyết các vấn đề tồn tại về đất đai, giống và công nghệ sau thu hoạch. Về đất đai, phải có chính sách tích tụ về đất đai nhưng vẫn đảm bảo sinh kế của người dân, như vậy mới sản xuất đảm bảo chất lượng và số lượng cho xuất khẩu. Diện tích để mở rộng không còn nhiều trong khi nhu cầu xuất khẩu hoa rất lớn. Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trương phát triển sản xuất hoa theo mô hình hạt nhân. Các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp sản xuất hoa đang có công nghệ sản xuất - sau thu hoạch sẽ xây dựng mô hình, quy trình sản xuất chuẩn mực sau đó chuyển giao, hợp tác với nông dân để đưa sản phẩm ra thị trường. Mô hình hạt nhân cũng là hình thức tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn với sự tham gia chặt chẽ của nông dân.
 
Liên quan đến chuyện cây giống, được xác định là thách thức lớn của ngành hoa, tiến sĩ Phạm S nêu quan điểm: “Nên nhập khẩu những giống chất lượng từ nước ngoài, đa dạng hóa chủng loại màu sắc. Hiện nay các giống hoa trên thị trường hầu như được nhân tràn lan bằng nuôi cấy mô. Chất lượng cây giống không đạt yêu cầu về sạch virus,  trong thời gian tới cần phát triển kỹ thuật nuôi cấy đỉnh sinh trưởng để cung cấp giống sạch cho sản xuất. Dự án Himeji có sự điều phối của tỉnh sẽ triển khai nội dung này”.
 
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng có ý kiến rằng: “Cần xóa mù bản quyền giống”. Ông Sơn cho rằng, không có kênh thông tin chính thức tầm quốc gia về giống đã khiến nông dân bị “mù” thông tin cây giống có bản quyền quốc tế. Người trồng hoa hoàn toàn phải tự mò mẫm tìm kiếm thông tin về cách nhập, nơi bán, hình thái cây hoa, thời hạn bảo hộ bản quyền, cách thức hoàn trả chi phí bản quyền giống. Những thông tin thuần chuyên môn để nông dân có thể hiểu, tiếp nhận đã khó đằng này họ còn phải lần mò tìm kiếm, khó vô cùng. Có rất nhiều giống hoa hết hạn bảo hộ bản quyền nhưng nông dân cũng không có thông tin khiến nhiều cơ hội phát triển cho ngành hoa bị bỏ lỡ. 
 
Tỉnh cũng đã có những kiến nghị đến các cơ quan trung ương liên quan đến vấn đề cây giống. Chúng tôi đã kiến nghị phải có kênh thông tin “xóa mù” về giống bản quyền cho nông dân để thúc đẩy xuất khẩu hoa. Nếu không làm sớm, rất dễ xuất hiện vết đen bản quyền trên bản đồ kinh doanh hoa thế giới. Hy vọng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có một kênh chuyên tập hợp thông tin về giống, trình bày thành cơ sở dữ liệu theo phương thức đơn giản để nông dân tiếp cận.  
 
Để những công ty lớn trên thế giới mạnh dạn bán giống sang Việt Nam và tổ chức phương thức thu phí bản quyền cây giống phù hợp với điều kiện địa phương, ông Sơn cho rằng cần sớm có chế tài đối với việc sao chép giống trái phép bằng cách nhập tiểu ngạch sau đó nuôi cấy mô.  
 
Ông Siebe Van Wijk, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Fresh Studio Innovations Asia (15 năm trực tiếp làm việc với nông dân Đà Lạt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao) cho rằng: “Giống thực sự là vấn đề với nông dân Đà Lạt. Nhà nước phải thông tin nhiều hơn về vấn đề này, tìm cách kéo gần các công ty sinh học uy tín trên thế giới lại gần với nông dân Việt Nam. Khởi điểm nông nghiệp công nghệ cao của Hà Lan cũng không thuận lợi hơn Đà Lạt nhưng chính phủ vừa lo tìm đầu ra cho nông dân vừa tìm cách kéo gần các công ty công nghệ sinh học lại gần nông dân để họ hiểu nhau và cho ra những bộ giống phù hợp. Kho thông tin về nông nghiệp công nghệ cao trên thế giới rất nhiều, có phí lẫn miễn phí, đừng để người nông dân mù mờ”. 
 
NGUYỄN NGHĨA - PHƯỚC AN

 
 

Thông tin liên hệ

CÔNG TY TNHH TM & DV LIÊN NÔNG

 

Địa chỉ : 173 Quốc lộ 20, Xã Phú Hội, Huyện Đức Trọng, Lâm Đồng

Hotline : 0263.3999918 - 0986 016 684

 

Bản đồ