bn2

xlach hinh3 ca1 hinh1 ca1

Giảm tổn thất nông sản sau khi thu hoạch

 
Giảm tổn thất nông sản sau khi thu hoạch
 
Nhằm giảm tổn thất nông sản sau thu hoạch, Lâm Ðồng đã có nhiều biện pháp, trong đó có việc hỗ trợ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, chế biến nông sản giúp nâng cao chuỗi giá trị nông sản mà người nông dân làm ra.
 
Trung tâm sau thu hoạch của Công ty Phong Thúy hoạt động ổn định, hiệu quả. Ảnh: H.Yên
Trung tâm sau thu hoạch của Công ty Phong Thúy hoạt động ổn định, hiệu quả. Ảnh: H.Yên

Lâm Đồng là vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp với nhiều loại cây trồng và có diện tích, năng suất đứng đầu cả nước. Hiện nay, khoảng 65% rau củ các loại được sơ chế trước khi chuyển đi tiêu thụ ở các thị trường, trên địa bàn tỉnh nhưng có rất ít các cơ sở chế biến rau, củ, quả nên đa số các sản phẩm rau, củ, quả đều chỉ qua sơ chế và xuất bán tươi cho các nơi tiêu thụ. Do đó, vẫn chưa nâng cao được giá trị sản phẩm, công tác bảo quản nông sản còn rất hạn chế và điều này cũng ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu. Sản lượng tiêu thụ thông qua hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng sản lượng toàn tỉnh. Cụ thể, mới có 8,2% với 61 chuỗi, 1.773 hộ liên kết sản xuất diện tích 2.542 ha, sản lượng 186.468 tấn nông sản tiêu thụ theo chuỗi.
 
Giảm tổn thất sau thu hoạch là một trong những chương trình được tỉnh Lâm Đồng quan tâm và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện từ giai đoạn 2011-2015. Năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 189/QĐ-UBND phê duyệt Đề án giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản chè, rau, hoa tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020. 
 
UBND tỉnh cho phép thực hiện thí điểm hoạt động Trung tâm sau thu hoạch, tiếp nhận vận hành hệ thống máy phân loại nông sản (cà chua) do Tổ chức JICA Nhật Bản hỗ trợ tại Công ty TNHH SXTM Nông sản Phong Thúy. Sau thời gian thí điểm hoạt động hệ thống máy phân loại nông sản (cà chua), Trung tâm sau thu hoạch hoạt động ổn định, hiệu quả. Ông Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công ty Phong Thúy cho biết, hệ thống máy phân loại nông sản có khả năng phân loại cà chua theo các tiêu chí về kích thước, màu sắc đảm bảo theo yêu cầu của Công ty và đơn đặt hàng của đối tác. Đồng thời, tăng năng suất phân loại cà chua từ 120 tấn/tháng lên 200 tấn/tháng (tăng 66,67% năng suất phân loại/tháng); giảm công lao động phân loại cà chua từ 8 người/8 giờ/ngày xuống còn 8 người/2 giờ/ngày (giảm 75% công lao động/ngày). Đến cuối năm 2017, Trung tâm sau thu hoạch Phong Thúy ký hợp đồng cung cấp cà chua cho 15 đơn vị, tăng hơn 1.100 tấn/tháng; sản lượng cà chua qua sơ chế, phân loại năm 2017 đạt 2.866 tấn, trị giá khoảng 72,49 tỷ đồng, sản lượng bình quân mỗi tháng 238 tấn, giá bán bình quân 25,3 triệu đồng/tấn.
 
Ngoài cà chua, Trung tâm còn sơ chế, đóng gói hơn 60 mặt hàng nông sản khác như: bắp cải, ớt chuông, dưa leo, các loại xà lách thủy canh, bông cải, củ cải, khoai tây, khoai lang, cà rốt, tỏi, bí các loại, khổ qua, đậu cove, chanh dây, chuối la ba, su hào, cải sậy, tần ô,... sản lượng khoảng 800 tấn/tháng, tăng 33,33% năng suất hoạt động/tháng của Công ty từ 600 tấn sản phẩm/tháng lên 800 tấn sản phẩm/tháng. Bên cạnh đó, Trung tâm sau thu hoạch còn làm dịch vụ phân loại cho các cơ sở sản xuất, hộ nông dân, doanh nghiệp có nhu cầu. Năm 2017, gia công cà chua cho Công ty Cao Nguyên, huyện Đơn Dương, sản lượng khoảng 224 tấn; năm 2018 khoảng 702 tấn cà chua. 
 
Hiện nay, đã có 3 HTX đang được Sở Công thương hỗ trợ nhân rộng mô hình Trung tâm sau thu hoạch: Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào đầu tư máy đóng gói rau chế biến liên tục dạng nằm tại Trung tâm sau thu hoạch Phường 8, thành phố Đà Lạt. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú đầu tư máy móc, thiết bị chế biến rau cho Trung tâm sau thu hoạch tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng và Hợp tác xã Su Su Công Thành đầu tư máy móc, thiết bị chế biến rau cho Trung tâm sau thu hoạch tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà. Ngoài ra, tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp nghiên cứu và đưa vào hoạt động chế biến bơ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch như: Công ty TNHH Thực phẩm An Vạn Thịnh (60 Lý Thường Kiệt, Phường 1, Bảo Lộc); Công ty TNHH Balo-yuki (149 Trần Phú, phường Lộc Sơn, Bảo Lộc). Hiện nay, một số doanh nghiệp thực hiện chế biến sâu: trang bị hầm cấp đông và hệ thống IQF, cấp đông rau, củ sau khi cắt gọt và đưa vào kho lạnh như Công ty CP Viên Sơn; Công ty TNHH Đà Lạt - Nhật Bản;... cơ sở Hoàng Minh Khôi (Phước Lộc - Đạ Huoai) đã phát triển công nghệ chế biến cấp đông sản phẩm sầu riêng (múi đóng hộp) để kéo dài thời gian sử dụng khoảng 1 năm. 
 
Ông Nguyễn Văn Lục, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Lâm Đồng cho biết, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 50 doanh nghiệp chế biến chè; hơn 32 doanh nghiệp sản xuất, chế biến rau; trên 14 doanh nghiệp chế biến cà phê... Kết quả chế biến hàng năm các loại sản phẩm cây trồng chủ lực của tỉnh, khoảng 45 ngàn tấn chè thành phẩm; hơn 60 ngàn tấn cà phê đánh bóng; trên 287 tấn cà phê chế biến thành phẩm. Trong lĩnh vực chăn nuôi, Lâm Đồng có 1 nhà máy chế biến sữa (Công ty Đà Lạt Milk) với công suất 40.000 tấn/năm.
 
Ngoài ra, tỉnh còn kêu gọi các doanh nghiệp có công nghệ chế biến tiên tiến đầu tư vào Lâm Đồng để góp phần chế biến nông sản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Trong đó, tập trung xây dựng Nhà máy chế biến cà chua tại Cụm Công nghiệp Ka Đô - Đơn Dương; Nhà máy chế biến thức ăn gia súc tại các huyện Đức Trọng, Di Linh, Đơn Dương (Danh mục dự án ban hành theo Quyết định số 507/QĐ-UBND ngày 18/3/2013 của UBND tỉnh Lâm Đồng). Xây dựng chợ đầu mối hoa; phát triển Trung tâm sau thu hoạch và triển khai Quy hoạch Khu Công nghiệp - nông nghiệp Tân Phú để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, trong đó ưu tiên cho lĩnh vực hoạt động chế biến nông sản. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị có hàm lượng công nghệ hiện đại trong chế biến nông sản từ nguồn kinh phí khuyến công.
 
HOÀNG YÊN
 
 

Thông tin liên hệ

CÔNG TY TNHH TM & DV LIÊN NÔNG

 

Địa chỉ : 173 Quốc lộ 20, Xã Phú Hội, Huyện Đức Trọng, Lâm Đồng

Hotline : 0263.3999918 - 0986 016 684

 

Bản đồ