Tại hội nghị tổng kết vụ ĐX 2017 – 2018, triển khai SX vụ HT ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, vấn đề được nhiều người quan tâm là nước tưới, bởi hiện tại đã có một số địa phương bị hạn cục bộ. Tổng cục Thủy lợi đã đưa ra nhiều giải pháp...
Lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi kiểm tra tình hình hạn hán tại Ninh Thuận |
Theo Tổng cục Thủy lợi, vụ ĐX 2017-2018 ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cơ bản thuận lợi, không bị thiếu nước do năm 2017 mưa nhiều. Riêng một số địa phương của tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã xảy ra thiếu nước cục bộ. Nguyên nhân do một số huyện gieo trồng không đồng thời, không đúng lịch thời vụ, chưa thực hiện chuyển đổi cây trồng được khuyến cáo dẫn đến việc điều tiết nước tưới khó khăn, diện tích canh tác vượt quá khả năng cung cấp nước...
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: Theo dự báo lượng mưa từ nay đến hết năm 2018 tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên bằng và cao hơn mọi năm. Hiện lượng nước trong các hồ chứa tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam, Đà Nẵng) đạt 86%. lưu vực sông Trà Khúc, sông Vệ và vùng phụ cận (Quảng Ngãi), lượng nước trong các hồ chứa đạt 71%. Lưu vực sông Kôn - Hà Thanh và vùng phụ cận (Bình Định), dung tích trữ nước của các hồ chứa trong vùng đạt 64%. Lưu vực sông Ba, sông Bàn Thạch và vùng phụ cận (Phú Yên), dung tích trữ của các hồ chứa trong vùng trung bình đạt 80%. Lưu vực sông Cái Nha Trang, sông Cái Ninh Hòa (Khánh Hòa), lượng nước trong vùng trung bình đạt 70%.
Với nguồn nước hiện có, các địa phương trên cơ bản đảm bảo cấp nước cho vụ HT 2018. Tuy nhiên để giảm thiểu rủi ro cho cấp nước cho SX các địa phương cần sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.
Theo ông Tỉnh, đối với lưu vực sông Cái Phan Rang và vùng phụ cận của tỉnh Ninh Thuận: Hiện tại, lượng nước các hồ chứa trung bình đạt 62% dung tích thiết kế, trong đó hồ Sông Sắt lớn nhất của tỉnh, dung tích đạt 86,3%. Đặc biệt, trong tổng số 21 hồ của Ninh Thuận có 10 hồ chứa nhỏ đã hết nước, do vậy vụ HT có khả năng xảy ra hạn nhẹ.
Đối với Bình Thuận, hiện tại dung tích trữ tại các hồ trong vùng là 157,1 triệu m3, đạt 50% tổng dung tích thiết kế. Các hồ thủy điện cung cấp nước bổ sung cho tỉnh Bình Thuận có tổng dung tích hữu ích trữ hiện tại là 299,74 triệu m3. Căn cứ vào dự báo lượng mưa thì địa phương này cũng có một số diện cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán.
Do vậy Ninh Thuận và Bình Thuận cần xem xét khả năng dừng canh tác một số diện tích cây trồng trong vụ HT và ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt và chăn nuôi.
Đối với khu vực Tây Nguyên, hiện tại nguồn nước trong các công trình hồ chứa trên địa bàn toàn vùng đạt 62% dung tích thiết kế. Với nguồn nước trong hệ thống các công trình thủy lợi hiện tại và dự báo mưa trong thời gian tới sẽ không lo thiếu nước.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, để đảm bảo nguồn nước tưới vụ HT đối với lúa là 224.989ha và mùa 2018 là 223.626ha, Tổng cục Thủy lợi đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết các địa phương phải tổ chức kiểm kê nguồn nước thường xuyên, để cân đối, bố trí kế hoạch SX, cơ cấu cây trồng hợp lý, phù hợp với điều kiện nguồn nước. Theo dõi diễn biến thời tiết và dự báo diễn biến nguồn nước, hạn hán do các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT cung cấp để kịp thời điều chỉnh kế hoạch phân phối nước, thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước.
"Các địa phương cần phối hợp với các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện xây dựng điều tiết nước các hồ chứa thủy điện hợp lý, bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước cho SX. Tăng cường nạo vét kênh mương để dẫn nước, lắp đặt trạm dã chiến, tổ chức bơm chuyền để tận dụng nguồn nước khi xảy ra thiếu nước, hạn hán; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn (ướt - khô xen kẽ, nông - lộ - phơi, phun mưa, nhỏ giọt). Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, cần ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm...", ông Nguyễn Văn Tỉnh. |