Năm 2013, chị Phạm Thị Nguyệt, ở thôn 6, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) mua 1.600 cây mắc ca về trồng xen canh trong vườn tiêu, cà phê. Sau 6 năm, cây mắc ca của gia đình chị Nguyệt đã bắt đầu cho trái. Theo chị Nguyệt, mắc ca trái vụ cho trái không nhiều nhưng bù lại, thời điểm này thương lái thu mua mắc ca với giá từ 100 đến 110 ngàn đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay.
Thời điểm này, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) đã thu hoạch xong mắc ca trái vụ với nhiều niềm vui vì hạt mắc ca có giá bán cao nhất từ trước tới nay.
Vụ thu hoạch mắc ca chính vụ vừa qua, gia đình chị Phạm Thị Nguyệt thu được khoảng 3 tấn hạt mắc ca. Niềm vui nhân lên khi vụ thu hoạch trái vụ năm nay, chị Hường tiếp tục thu được hơn 6 tạ hạt mắc ca.
Theo chị Nguyệt, mắc ca trái vụ cho trái không nhiều nhưng bù lại, thời điểm này thương lái thu mua mắc ca với giá từ 100 đến 110 ngàn đồng/kg, cao hơn chính vụ từ 20 đến 30 ngàn đồng/1kg. Như vậy, ngoài chính vụ thu được hơn 4 tấn, mùa trái vụ này, chị Nguyệt còn có thêm khoản thu nhập hàng chục triệu đồng để trang trải cuộc sống gia đình.
Chị Nguyệt cho biết: “Với người nông dân như chúng tôi, có thu nhập thêm đồng nào hay đồng đó. Số tiền từ hạt mắc ca trái vụ, gia đình sử dụng để trang trải cuộc sống, mua phân bón chăm sóc cây trồng tốt nhất, với mong muốn vụ chính sẽ trúng đậm hơn”.
Tương tự, với 100 cây mắc ca hơn 9 năm tuổi, chị Lê Thị Uyên, ở thôn 4, xã Đắk Búk So cũng thu được hơn 5 tạ hạt trái vụ. Như vậy, với giá bán như hiện nay, chị Uyên đã thu được hàng chục triệu đồng.
Chị Uyên phấn khởi: “Chúng tôi không cần can thiệp gì nhưng cây mắc ca vẫn cho trái vụ. Với giá mắc ca như hiện nay, hàng năm, bên cạnh nguồn thu chính vụ, đến thời kỳ trái vụ, người nông dân lại có thêm hàng chục triệu đồng để trang trải cuộc sống, đầu tư sản xuất”.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, một thương lái đang thu mua hạt mắc ca tại xã Quảng Trực cho biết, hạt mắc ca Tuy Đức được thị trường đánh giá cao về chất lượng. Thế nên, sản phẩm mắc ca Tuy Đức được nhiều người tìm mua về chế biến, sản xuất thực phẩm. Do có đầu ra ổn định, lại có sự cạnh tranh mua hàng của nhiều thương lái nên giá mắc ca trái vụ cao hơn chính vụ cũng là điều dễ hiểu.
Ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức cho biết: “Cây mắc ca ở các địa phương khác chỉ cho trái mỗi năm một lần. Thế nhưng, cây mắc ca khi trồng ở huyện Tuy Đức, do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp nên mỗi năm cho trái 2 lần”.
Theo ông Anh, sau khi đưa vào trồng thí điểm vào năm 2010, đến nay, cây mắc ca đã từng bước mang lại nguồn thu nhập cho người nông dân huyện Tuy Đức. Thế nhưng, đã 9 năm trôi qua, đến nay, cây mắc ca vẫn chưa được các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh tổ chức tổng kết, đánh giá mô hình.
“Trước thực tế trên, hiện nay người nông dân ở huyện Tuy Đức rất mong cơ quan chức năng vào cuộc nhằm có sự định hướng phù hợp cho người dân trên địa bàn phát triển cây mắc ca lâu dài, bền vững, qua đó từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống…”, ông Đoàn Lê Anh.
Theo Phan Tuấn (Báo Đắk Nông)